Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

Hơn 30% học sinh bị cận

Lao Động số 258 Ngày 13/11/2009 Cập nhật: 8:37 AM, 13/11/2009

Một tư thế ngồi học sai dẫn đến cận thị dễ thấy ở trường học.

(LĐ) - Trong vòng 40 năm qua, tỉ lệ cận thị trong học sinh tiểu học đã tăng lên gần 10 lần. Tuy nhiên, chính bản thân học sinh và nhà trường còn khá xa lạ với việc phòng, chống căn bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của các em này.


BV Mắt Hà Nội vừa hoàn thành khảo sát về tật cận thị và công tác phòng, chống cận trong học đường ở 12 trường học ở HN, trong đó có 4 trường tiểu học. Kết quả cho thấy, 32,4% học sinh bị các tật khúc xạ. Trong số đó, viễn và loạn thị, những tật chủ yếu do bẩm sinh chỉ chiếm 2,24%, còn lại 30,19% là cận thị.


BS Trịnh Thị Bích Ngọc - PGĐ BV Mắt Hà Nội dẫn chứng các thống kê. Năm 1964, tỉ lệ cận trong học sinh tiểu học là 4,2%, sau 30 năm đã tăng lên 16,34%. Và từ đó, đà tăng quá nhanh, năm 2003 là 24,6%, năm 2005 đến nay đã lên tới 36 – 38%.

Trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này có việc 100% trường học không có sự phân loại bàn ghế riêng cho từng khối học. Nghĩa là em học sinh lớp 1 có thể ngồi chung bàn với anh chị lớp 4-5. Tất cả các trường đều được trang bị bảng chống loá, nhưng lớp chống loá đã bị bong, mờ nhiều nên cũng không có tác dụng đối với những em ở cuối hoặc ở góc lớp. Gần 60% lớp học có đủ độ sáng. Mặc dù các lớp đều được trang bị đủ đèn, nhưng lại không được bật sáng đầy đủ vì lý do nào đó!

Vì hầu hết các cán bộ y tế học đường đều chưa có kiến thức về phòng, chống cận. Khi kiểm tra sức khoẻ đầu năm, tỉ lệ học sinh cận thị chỉ được thống kê dựa trên đếm đầu kính đang đeo chứ không thực sự kiểm tra thị lực. Do vậy, những em mới cận nhẹ, hoặc chỉ bị tật một bên sẽ bị bỏ sót, nếu để lâu sẽ dẫn đến nhược thị.

Thực trạng này không chỉ “của” riêng Hà Nội, ông Phạm Ngọc Phương - Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, Bộ GDĐT nhận định. Từ năm 2007, 100% trường tiểu học cả nước được trang bị bảng chống loá. Nếu đó là bảng chất lượng tốt sẽ dùng được 10 năm, nhưng nếu nhà trường mua hàng không phải đầu bảng, thì chỉ 1 – 2 năm sau, lớp phấn nhô giúp chống loá sẽ bong dần đi.

Đến nay, phần lớn các trường tiểu học đã được kiên cố hoá, với các tiêu chí về diện tích, độ sáng, không gian... Thế nhưng chính các trường học ở đô thị lại bị mất quy chuẩn này nhất. Mỗi lớp học được thiết kế cho 35 – 40 học sinh/lớp, nhưng giờ đây, sĩ số thực học lại lên tới 55 – 60 học sinh. Thay vì kê 5 dãy bàn ghế, các lớp phải kê lên 7 dãy, vì thế, khoảng cách bàn đầu tiên đến bảng chỉ được 1m, hỏi sao các cháu không cận?

Theo ông Ngô Quốc Khang - GĐ Cty CP giáo dục Vĩnh Khang, việc ngồi học sai tư thế là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỉ lệ cận trong học sinh lên đến 30%. Không những vậy, theo khảo sát của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM ở 4.000 học sinh, tư thế ngồi sai còn góp phần khiến 50% em đã bị hoặc có nguy cơ cong vẹo cột sống.


Quang Duy

:q: :q: :q: :q: :q: :q: :q: :q: :q: :q: